Chương trình tên lửa khiến Triều Tiên tốn hàng tỷ USD
Sáng 12/12, Triều Tiên đã khiến cả thế giới “đứng ngồi không yên” khi tuyên bố đã thực hiện thành công vụ phóng tên lửa tầm xa Unha-3, để đưa một vệ tinh vào quỹ đạo. Về mặt công nghệ, thành công này rõ ràng cho thấy Bình Nhưỡng đã có bước tiến vượt bậc. Dù vậy cái giá phải trả cho nó không hề rẻ.
Theo ước tính được một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc đưa ra hồi cuối tuần trước, tổng chi phí cho hai đợt phóng tên lửa từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-Un lên cầm quyền hồi tháng 4 vừa qua đã lên tới 1,34 tỷ USD. “Số tiền này đủ để họ mua lương thực cho toàn dân trong một năm”, vị quan chức trên cho biết.
Cụ thể, riêng chi phí xây dựng địa điểm phóng tên lửa tại làng Dongchang đã tiêu tốn 400 triệu USD. Thêm 600 triệu USD được chi cho hai đợt phóng. 300 triệu USD nữa để xây dựng các trang thiết bị tên lửa và phương tiện. Cuối cùng là khoảng 42 triệu USD chi cho các chiến dịch tuyên truyền.
Những con số trên được đưa ra sau khi Bộ quốc phòng Hàn Quốc ước tính rằng Triều Tiên đã tiêu tốn 1,74 tỷ USD vào việc phát triển tên lửa và thêm từ 1,1 – 1,5 tỷ USD nữa cho chương trình phát triển hạt nhân. Điều đó có nghĩa là tổng chi phí nước này đã dành cho các chương trình trên vào khoảng 2,8 – 3,2 tỷ USD.
Hiện nhu cầu lương thực hàng năm của Triều Tiên được ước tính tương đương 5,3 triệu tấn ngô, trị giá khoảng 1,5 tỷ USD theo giá thị trường thế giới hiện tại. Lượng lương thực nước này thiếu hụt hàng năm khoảng 1 triệu tấn, hay khoảng 300 triệu USD. Theo cách tính này, số tiền 1,34 tỷ USD gần đủ để mua lương thực cho người dân nước này trong một năm hoặc đủ để bù đắp lượng lương thực thiếu hụt trong 4-5 năm.
Rõ ràng để đạt được tiến bộ về công nghệ tên lửa, Bình Nhưỡng đã phải chấp nhận đánh đổi rất lớn.
“Việc đề nghị Triều Tiên dùng tiền chi cho phát triển tên lửa để nuôi sống dân chúng cũng giống như đề nghị Hàn Quốc dùng ngân sách chi cho các chiến đấu cơ thế hệ mới vào việc chăm sóc trẻ em miễn phí”, giáo sư Kim Yeon-chul tại đại học Inje nói.
Tương tự, Chang Yong-seok, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện hòa bình và thống nhất, Đại học quốc gia Seoul nhận định: “Sẽ là không công bằng khi chỉ yêu cầu riêng Triều Tiên kiểm soát hoạt động vũ trang trong khi các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của họ liên quan mật thiết tới căng thẳng quân sự với Hàn Quốc và tại Đông Bắc Á”. Ước tính chi tiêu quốc phòng năm 2011 của Hàn Quốc gần gấp 30 lần Triều Tiên.
Thanh Tùng
Theo Hani