Nữ phát ngôn quân đội Israel cho biết lệnh báo động đã được ban bố trong toàn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) khi các xe tăng Syria tiến vào một ngôi làng chỉ cách tiền đồn của lực lượng IDF vài km, động thái được cho là có liên quan tới tình hình chiến sự đang gia tăng mạnh bên trong lãnh thổ Syria.
"Các thành viên IDF đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu khi có lệnh", người phát ngôn khẳng định sau khi cho biết IDF "đã đệ đơn khiếu nại lên Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ) trong khu vực".
Trong khi đó, truyền thông Israel đưa tin ngoài 3 xe tăng trên còn có thêm 2 xe vũ trang khác của Syria cũng đã tiến vào vùng DMZ giữa lúc xảy ra nhiều vụ pháo kích trong 24 giờ qua.
Đây là lần đầu tiên xe quân sự Syria vượt qua biên giới vào vùng DMZ ở cao nguyên Golan, càng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nội chiến tại Syria lan sang các nước láng giềng sau khi đạn pháo từ Syria cũng đã bắn sang Thổ Nhĩ Kỳ cách đây vài tuần.
Israel chiếm đóng cao nguyên Golan từ Syria trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, nhưng không được cộng đồng quốc tế công nhận. Sáu năm sau, hai bên quyết định thiết lập vùng phi quân sự nhưng vẫn chưa ký thỏa thuận hòa bình. Vì vậy, về mặt kỹ thuật giữa hai nước vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh các lực lượng nổi dậy Syria đang đẩy mạnh chiến dịch tấn công nhằm vào các cứ điểm trọng yếu của quân chính phủ, trong đó có cả các căn cứ phòng không - không quân ở phía Bắc, để bẻ gẫy các đợt tấn công của quân đội và từng bước cô lập thành phố chiến lược Allepo.
Phe đối lập cho biết vừa mở hai cuộc tấn công quy mô lớn vào căn cứ không quân Taftanaz và cứ điểm phòng không Duwila ở tỉnh Idlib, nơi trước đó lực lượng này đã chiếm giữ thị trấn trọng yếu Saraqeb để cắt ngang tuyến đường tiếp vận từ thủ đô Damascus và Địa Trung Hải tới thành phố Aleppo. Tỉnh Idlib giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ và là nơi tuyến cao tốc Nam-Bắc chạy qua.
Phe đối lập Syria gặp nhau ở Qatar
Bên cạnh việc đẩy mạnh các vụ tấn công, phe đối lập Syria còn xúc tiến nhóm họp tại thủ đô Doha của Qatar để bàn về giải pháp chính trị cho Syria trong thời gian tới.
Một số nguồn tin cho biết, tại cuộc họp kéo dài 4 ngày, Mỹ sẽ yêu cầu xác lập lại lực lượng đối lập ở Syria sao cho có đủ khả năng tập hợp các tiếng nói khác nhau và có thể dẫn dắt cuộc nổi dậy hiện nay ở nước này. Nhà bất đồng chính kiến Riad Seif được cho là có nhiều khả năng trở thành người đứng đầu chính phủ lưu vong mới có tên là Sáng kiến Dân tộc Syria.
Yêu cầu này được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hồi tuần trước tuyên bố Washington "không còn công nhận vai trò lãnh đạo" của Hội đồng Dân tộc Syria (SNC), lực lượng đối lập chính tại Syria. Theo bà Hillary, SNC không mang tính đại diện, không đủ năng lực "đứng mũi chịu sào" trong cuộc nổi dậy chống chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, khiến chiến sự kéo dài suốt 19 tháng qua, cướp đi sinh mạng của hơn 30.000 người và buộc hàng triệu người phải lánh nạn.
Theo thống kê mới nhất công bố ngày 3/11 của Cao ủy Nhân quyền LHQ (UNHCR), số người Syria tị nạn tại Lebanon đã lên tới hơn 106.000 người. Trong số này có 77.000 người đã nộp đơn đăng ký chính thức lên UNHCR, số còn lại đang trong danh sách chờ. UNHCR dự đoán số người Syria tị nạn tại Lebanon có thể tăng lên đến 120.000 người vào cuối năm nay.
Nguồn tin: Sửa chữa laptop
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn