Antec Basiq Power VP450P (450W)

Thứ ba - 18/01/2011 22:15

Antec Basiq Power VP450P (450W)

Antec Basiq Power VP450P (450W) -------------------------------------------------------------------------------- Không xa lạ gì với dân chơi phần cứng cao cấp trên thế giới, từ năm 1986 đến nay Antec (Mỹ) được biết đến như là một nhà sản xuất chuyên nghiệp cung cấp các giải pháp về năng lượng, các hệ thống làm mát và các thành phần linh phụ kiện máy tính hiệu năng cao hay cho các game thủ. Sản phẩm của Antec rất phong phú với mẫu mã đa dạng, độc đáo, rất có tính cách, phù hợp cho nhiều mục đích sử dụng với nhiều mức giá khác nhau dễ cho người dùng chọn lựa. Chất lượng … thì giống như câu khẩu hiệu “Antec Believe it” …

Đối với PSU, Antec có không dưới 9 dòng sản phẩm các loại chia nhỏ phân khúc thị trường cho nhiều nhu cầu cung cấp năng lượng khác nhau, từ thấp nhất với các dòng Neo hoặc Basiq cho người dùng không quan tâm tới phần cứng, cho tới các PSU “khủng long” với nhiều tính năng dành cho Game thủ hay các tay chơi DIY khó tính.
Vài năm trước khó lòng mà mua được PSU Antec nếu bạn không có Việt kiều hay bạn bè nước ngoài mua dùm, hôm nay với chỉ cần một cuộc gọi là bạn sẽ có ngay một sản phẩm Antec tại nhà thông qua nhà phân phối chính thức của Antec tại Việt Nam – Công ty Toàn Hưng (23 Nguyễn Khắc Nhu, Ba Đình, Hà Nội).
Có nên nhất máy để được phục vụ không nhỉ…thôi, để tôi thử lại mẫu PSU mới nhận được từ Antec xem tốt xấu thế nào trước khi nhường quyền quyết định lại cho bạn, đó là mẫu VP450P với công suất danh định 450W.
Bề ngoài và các tính năng

Đóng gói trong chiếc hộp rất kích thích thị giác bằng màu đen viền vàng nổi bật. Hình PSU ẩn hiện bí ẩn ở mặt tiền chiếc hộp gợi cho người mua sự tò mò muốn được khám phá. Điểm xuyến 4 logo phía trước trình diễn 4 tính năng được quảng cáo là lợi thế của PSU này; 450W phiên bản ATX mới nhất 2.3, quạt to tới 120 mm, công suất thật ở điều kiện hoạt động liên tục và tính năng Active PFC.

Nếu để ý một chút thì bạn sẽ thấy một câu slogan khá sốc tọa lạc ở cạnh dưới: Strictly Power “No bells. No whistles. No nonsense” đại khái theo cách hiểu của tôi là Năng lượng thuần túy – “Thuần chất lượng. Không màu mè. Không phô trương” còn bạn hiểu thế nào?. Ở đây, Antec như muốn nhắc lại trước cho bạn – bộ nguồn VP450P sinh ra để tập trung cho năng lượng, bỏ qua các tính năng ít thực tế, là dòng sản phẩm dành cho người dùng không quan tâm tới hình thức, tìm kiếm một PSU có công suất đúng nhu cầu của mình với giá thành hợp túi tiền.


Xung quanh thành của chiếc hộp chứa đựng các thông tin kỹ thuật cơ bản của Antec VP450P, các mô tả số lượng và loại đầu cấp nguồn. Quảng cáo một số tính năng nổi bật mà VP450P được trang bị như:
- Sản xuất theo tiêu chuẩn ATX12V phiên bản mới nhất 2.3
- Có tính năng Active PFC.
- 2 đường 12V
- Quạt kích thước 120 mm thiết kế hoạt động với độ ồn thấp và làm mát hiệu quả.
- Tính năng bảo vệ cơ bản đầy đủ.
- Phù hợp với tiêu chuẩn EUP 2010 tiêu thụ năng lượng thấp dưới 1W trong chế độ không hoạt động.
- Bảo hành 2 năm.
Các tính năng được giới thiệu trước ở ngoài hộp giúp cho người dùng có cái nhìn tổng quan trước khi quyết định chọn mua, tránh được sự mua nhầm sản phẩm không phù hợp.

Mở ra, bên trong chiếc hộp là Antec VP450P với cách đóng gói mang đậm phong cách riêng từ trước tới nay, PSU được ốp trong 2 miếng cacton chống xốc sau đó được cố định bằng một vòng cacton khác, nhìn thì rất đơn giản nhưng không kém phần hiệu quả. Phụ kiện đi theo PSU là các thành phần cơ bản, bao gồm; cáp nguồn với đầu cắm theo tiêu chuẩn Type B cho thị trường Mỹ, sách hướng dẫn và ốc gắn PSU.


Về màu sắc, Antec VP450P được design phủ bởi tông màu đen mờ cho toàn bộ sản phẩm với thương hiệu ANTEC dập nổi, tông màu này mang lại cho cho người nhìn cảm giác của sự chắc chắn và đầy sức mạnh. Nước sơn này đặt biệt ít dính dấu vân tay, dễ dàng cho việc lau chùi. Quạt làm mát nằm ở trung tâm PSU với lưới quạt đồng màu, tâm quạt được điểm xuyến một logo Antec ẩn hiện dưới lớp lưới. Lưới thoát nhiệt phía sau có dạng hình tổ ong, một hình dạng luôn được các hãng PSU ưa chuộng vì nó rất tối ưu cho luồng không khí thoát ra, nơi đây ngoài ổ lấy điện thì bạn có thêm được một công tắc nguồn chính thuận tiện cho thao tác sửa chữa hệ thống (vì sự an toàn của bạn thì cách tốt nhất vẫn là rút điện ra khỏi ổ cắm).

Nhãn ghi công suất trình bày đẹp và có nội dung rõ ràng. Ở đây bạn có thể thấy được khả năng cung cấp dòng tối đa của từng đường điện, tổng công suất của từng cặp điện áp, tổng công suất của PSU. Thiết kế phù hợp với tiêu chuẩn ATX12V phiên bản 2.3, VP450P cho người dùng một cặp đường 12V có công suất tối đa là 30A tương đương 360W với dòng tối đa cho mỗi đường là 18A. Tổng công suất của 2 đường +3.3V và +5V là 120W với giới hạn đường +5V ở mức 15A. Theo đúng xu thế tiêu thụ năng lượng của hệ thống máy tính hôm nay, đường -12V với mức công suất 3.6W@0.3A rất thấp theo tôi thì chỉ giúp cho PSU này phù hợp với tiêu chuẩn ATX chứ thật sự không có khả năng ứng dụng thực tế. Đường cấp trước +5VSB được đặt ở mức 2.5A, cao hơn mức phổ dụng trước đây là 0.5A tạo điều kiện khai thác thêm được nguồn cấp cho các thiết bị khởi động trước.
Ngoài ra còn thấy trên nhãn này có không dưới 8 chứng nhận an toàn và hợp chuẩn, một chi phí cộng thêm làm tăng gánh nặng cho giá bán lẻ của VP450P. Tại sao phải đăng ký nhiều chứng nhận như vậy, đó là do thị trường của Antec trên thế giới khá rộng cần phải có các chứng nhận an toàn phù hợp theo từng vùng miền và qua đó cũng thể hiện lời cam kết về chất lượng của Antec với người dùng.

Vỏ bọc lưới được dành riêng cho cáp nguồn 20+4 pin, các dây cáp khác vẫn để trần và được bó gọn lại là nhờ vào các vòng dây rút nằm cách quãng suốt chiều dài cáp. Số đầu cấp nguồn phù hợp với mức công suất danh định: trên đường 12V1 có 4 đầu cho SATA, 4 cho PATA và 1 FDD cùng với đầu nguồn cho mainboard và CPU 4+4 pin, đường 12V2 ưu tiên dành riêng cấp nguồn cho VGA qua kết nối nguồn PCI-E 6 pin.

Chiều dài cáp thuộc loại trung bình với đoạn ngắn nhất là 43 cm nên không còn lo lắng khi phải chọn một thùng máy phù hợp, bất kỳ thùng máy tiêu chuẩn ATX nào PSU cũng có thể vươn tới được các thiết bị gắn trong đó (trừ các loại thùng quá khủng hay tự chế). Cách bấm đầu cấp nguồn trên cáp khá thuận thiện cho bất kỳ cấu hình máy tính nào, với 3 cáp tách rời trong đó có 1 cáp chứa riêng 3 đầu cho SATA, 1 cáp chuyên trị PATA với 3 đầu nguồn. Còn lại 1 cáp tổng hợp 3 loại đầu SATA, PATA và FDD (mỗi thứ một đầu), riêng sợi cáp này rất tiện dụng, làm cho hệ thống được thông thoáng, phù hợp với bộ máy tính cơ bản chỉ trang bị 1 DVD, 1 ổ cứng và 1 ổ đĩa mềm.
Thử nghiệm
1/ Công suất, Hiệu suất và hệ số công suất PF:
Bao quanh bằng luồng không khí có nhiệt độ 45º C trong tủ nhiệt, Antec VP450P đã chứng minh được đẳng cấp thật sự khi vượt qua thử nghiệm một cách an toàn với mức công suất xác thực là 450W, đúng với mức công suất danh định như “cam kết”. Tại mức công suất này, VP450P cho một tổng công suất trên đường +12V là 331W với dòng ra mỗi đường là 13.8A. Tổng công suất trên 2 đường +3.3/+5V tương đương 102W (thiết lập theo mô tả phiên bản 2.3). Nguồn cấp trước +5VSB cho một công suất là 12.5W@2.5A.

Hiệu suất bộ nguồn đạt được tương đương với chứng nhận 80Plus với hiệu suất tối thiểu trên 80% cho tất cả các mức 20%, 50% và 100% công suất. Tính năng A.PFC hoạt động hiệu quả với hệ số công suất trên 0.9, đạt cao nhất khi ở công suất 450W là 0.97, nhờ đó mà khoảng cách giữa công suất biểu kiến VA và công suất tiêu thụ thật giảm xuống đáng kể, giảm được chi phí khi không cần đầu tư cho các UPS có công suất cao mà vẫn đảm bảo được thời gian lưu điện cần thiết.
2/ Điện áp:

Tất cả các số đo về điện áp đều trong mức cho phép. Đường điện +12V có sai số thấp dưới 1.1% ở nhiệt độ bình thường và dưới 0.8% khi ở nhiệt độ 450C. Sai số của đường +5V cao hơn đường +3.3V nhưng vẫn không quá -2.7% (giới hạn cho phép +/-5%). Các số đo này rất ổn định, độ giao động không thay đổi nhiều trong suốt quá trình thử nghiệm ở cả 2 mức nhiệt độ.
Đã quá lâu rồi tôi chưa đụng vào PSU của Antec, vào thời điểm các đây 4 tới 5 năm PSU Antec có đặc điểm là luôn có giá trị điện áp ra thấp hơn giá trị chuẩn kể cả ở điều kiện chạy không tải, tuy giá trị này vẫn nằm trong giới hạn cho phép nhưng phần nào cũng tác động không ít tới tâm lý người dùng. Với kết quả hôm nay đã làm yên tâm cho người dùng khó tính nhất, nhất là với những ai luôn bị các phần mềm khủng bố tinh thần bằng những kết quả đo điện áp ảo.
3/ Nhiệt độ hoạt động:

Có tính năng điều khiển tốc độ quạt theo nhiệt độ hoạt động của PSU và nó chạy khá hiệu quả, nhưng lại không hoạt động tuyến tính. Từ mức 20% (92W) công suất đến mức 80% (362W) công suất, tốc độ quạt tăng dần và ổn định luôn cho tới mức công suất tối đa 450W. Với tốc độ tối đa đo được là 1552 RPM nhưng quạt vẫn chạy khá êm. Nhiệt độ mà PSU tạo ra cũng không quá cao, mức chênh lệch lớn nhất khoảng 11.6º C trong cả 2 mức nhiệt độ môi trường thử nghiệm là 300C và 450C.
4/ Tính năng bảo vệ:

Tính năng bảo vệ cơ bản bao gồm OVP, OCP và SCP hoạt động khá hiệu quả, giá trị kích hoạt bảo vệ tỉ lệ chính xác với mức dòng danh định cho từng đường.

 

Khám phá bên trong


PSU VP450P được Antec thiết kế và gia công bởi FSP. Khi nhìn vào bên trong PSU ta thấy các phiến tản nhiệt được bố trí rất hợp lý, tạo ra các khoảng trống bên đủ để làm mát biến áp và các linh kiện ngoại vi. 3 phiến tản nhiệt tách biệt gánh nhiệt lượng cho 3 khối PFC, PWM và diode. Phía trên board mạch được phủ một lớp màu nâu đen rất ngầu, phía dưới là lớp phủ mạch màu xanh lá. Thiết kế kết hợp 2 thành phần linh kiện dán và không dán nên đã tạo ra được nhiều khoảng trốn phía trên giúp cho PSU thông thoáng hơn, tăng được hiệu quả làm mát cần thiết cho PSU.

Góc nhìn này cho thấy hệ thống tản nhiệt của nó cũng không quá đồ sộ, lớn nhất vẫn là phiến tản nhiệt cho diode, ít tỏa nhiệt hơn là phần công suất dành cho Mosfet PWM.


Antec VP450P trang bị cho mình một quạt làm mát của YATE LOON model D12SM-12 thuộc dòng Medium Speed với tốc độ tối đa chỉ khoảng 1650 RPM (+/-10%), lưu lượng không khí đạt 70 CFM với độ ồn tối đa chỉ tầm 33 dBA, chính thông số quạt này đã giúp cho PSU đạt được độ tĩnh lặng cần thiết khi hoạt động. Một board mạch nhỏ với sersor được nhét vào khe nhôm trên phiến tản nhiệt, đó chính là mạch điều khiển tốc độ quạt, nó lấy giá trị nhiệt độ trên các diode nắn điện để làm thông số tham chiếu cho việc điều khiển quạt.


Không bao giờ thiếu được thành phần lọc nhiễu điện từ EMI trên một thương hiệu như Antec. Mạch này tuy có thiết kế chưa thật sự đẹp mắt nhưng vẫn đầy đủ các thành phần linh kiện tối thiểu. Mạch EMI trên đầu nguồn có các linh kiện được hàn trực tiếp lên ổ lấy điện và công tắc, nguồn điện vào trước khi tới mạch còn qua một cuộn lọc được tạo bằng chính dây kết nối với 1 lõi ferrite, đường mass về vỏ PSU cũng có thiết kế tương tự.
Mạch EMI trên board được bố trí đẹp hơn, các cuộn dây được cố định bằng keo chuyên dùng giúp chống lại các chấn động không có lợi cho các đầu dây được hàn vào mạch, giúp tránh hiện tượng phóng điện ở các chân gần nhau. Trước đó là một cầu chì không phải loại dành cho người dùng bình thường thay thế. Diode nắn điện được gắn chung với Mosfet PFC trên cùng một tản nhiệt và nó là loại GBU606 có dòng tải 6A@100º C cho mức điện áp hiệu dụng 560V.

Tính năng Active PFC luôn là kẻ thù của tụ lọc chính, mức áp mà mạch A.PFC tạo ra trên đầu tụ lọc này thường ở mức từ 350VDC tới 400VDC. Nên do đó ta thường thấy khi được quảng cáo là dùng tụ chất lượng cao thì đó chính là tụ lọc điện chính, ở đây CapXon (Taiwan) đã được chọn với giá trị điện dung là 270uF/420VDC, tiết kiệm chi phí một chút với tụ có nhiệt độ hoạt động thuộc loại bình thường với mức 850C. Cuộn dây PFC đứng cạnh trông rất hài hước khi được quấn keo trắng hình chữ thập.

Nguồn cấp trước cũng là dạng nguồn switching, được điều khiển bằng IC TNY277 thuộc dòng Tinyswitch® của hãng chip Power Integrations, trong IC này ngoài mạch giao động PWM nó còn được tích hợp luôn bên trong Mosfet công suất với hiệu suất cao, cho công suất tối đa của chip lên tới 23.5W mà không cần dùng thêm tản nhiệt (thực chất nó tản nhiệt thông qua các chân IC xuống lớp mạch in phía dưới), hoạt động không cần nhiều linh kiện ngoại vi nên rất đáng tin cậy.

Một module được bọc bằng một áo nhựa từ ống co nhiệt màu đen…thật bí ẩn, gợi chí tò mò muốn được khám phá.


Dùng dao cắt lớp áo này đi, ta lại thấy một lớp khác, đó là lớp áo bằng đồng lá cán mỏng. Qua được lớp đồng này mới thấy được bản chất thật của module. Đó là board mạch của IC điều khiển PFC/PWM với IC khá nổi thời gian gần đây: chip CM6800TX, hiệu quả của chip này thế nào thì tôi đã có nói ở bài giới hiệu AcBel iPower 85H 500W.
Điều mà tôi thật sự muốn nói ở đây chính là lớp đồng bọc bên ngoài, nó có tính năng chống nhiễu điện từ và tránh được rủi ro phóng điện cho IC CM6800TX khi ở quá gần các linh kiện có điện áp cao. Một thiết kế mà bản thân các PSU của FSP cũng ít khi được thấy, điều này chứng tỏ là Antec rất cầu kỳ trong việc thiết kế để đảm bảo được chất lượng hoạt động cũng như tính ổn định cho PSU VP450P, tuy nhiên cứ thêm một thiết kế hữu ích là sẽ tăng thêm giá trị cũng như giá thành. Một thiết kế tốt cho một thương hiệu lâu đời


Mạch PFC chỉ với duy nhất một Mosfet và dùng cùng một loại với 2 Mosfet của tầng PWM là FQPF9N50C của Fairchild Semiconductor. Mosfet này thuộc dòng Advance QFET® C-Series sản xuất trên công nghệ độc quyền DMOS của hãng, Công nghệ tiên tiến này được thiết kế đặc biệt giảm trở kháng khởi động, cung cấp hiệu suất tốt hơn khi chuyển mạch, chịu được những xung năng lượng cao chống lại hiệu ứng “thác đổ” và đảo mạch. Công suất mà Mosfet chịu được là 9A trong chế độ DC và lên tới 36A trong chế độ hoạt động xung ở mức điện áp lên tới 500VDC.

Mức dòng điện thực tế mà PSU có thể chịu được được thể hiện qua các diode nắn điện chính cho 3 đường điện cơ bản. Mỗi đường +3.3V và +5V được trang bị 1 diode HBR3045 do đó các đường này có khả năng chịu một dòng tải tới 30A ngay cả khi nhiệt độ hoạt động của nó đạt mức 150º C. Đường +12V thì có tới 2 diode SBR30A60CT nên tổng khả năng cấp dòng của đường này là 60A (30Ax2) với nhiệt độ hoạt động kém hơn cặp diode trên một chút là 125º C.

Sau các diode là thành phần lọc DC, các thành phần linh kiện chủ yếu là các linh kiện cơ bản bao gồm 3 thành phần; cuộn dây, tụ và điện trở. Cuộn dây lọc chính có cấu tạo khá tốt, tiết diện dây lớn được quấn trên lỏi ferrite có đế nhựa được hàn chắc chắn trên mạch. Tụ lọc chiếm 90% là của hãng CapXon, số còn lại là của TEAPO (Taiwan) và chúng đều là loại chịu được nhiệt độ hoạt động tới 1050C.

Phần cuối cùng được giới thiệu tới là mạch bảo vệ với IC Weltrend WT7527, đây là chíp bảo vệ được thiết kế chuẩn cho các PSU có 2 đường +12V. Bạn đừng vì niềm đam mê công nghệ mà chỉnh vào các biến trở có xung quanh IC này vì chúng làm nhiệm vụ cân chỉnh dòng quá tải để kích hoạt tính năng bảo vệ, nếu chỉnh quá nhậy thì PSU sẽ không hoạt động đúng với công suất danh định và ngược lại thì bạn sẽ vô hiệu hóa tính năng bảo vệ khi các biến trở được thiết lập ở giá trị bảo vệ quá cao, vượt mức chịu đựng được của dàn công suất PWM/PFC hoặc diode nắn điện chính.

 

Đánh giá chung
Antec VP450P thật sự gây được ấn tượng tốt qua những gì mà nó thể hiện. Đối với Antec VP450P thì đây là dòng PSU được xác định trong phân khúc cơ bản Basic, có giá thành hợp lý để tiếp cận đến các phân khúc khách hàng phổ thông. Nhưng đối với tôi về mặt chất lượng thì nó được xếp ngang hàng với IPower của AcBel hay GX của CoolerMaster.
Antec VP450P được sản xuất trên nền tảng công nghệ chế tạo PSU tiên tiến đến từ FSP một nhà sản xuất OEM có uy tính với các linh kiện được tuyển chọn và có chất lượng tốt. Từ những yếu tố cơ bản đó đã giúp Antec sản xuất thành công một sản phẩm “bình dân” đạt công suất thật 450W ở trong điều kiện nhiệt độ hoạt động khắc nghiệt nhất.
Tách biệt đường 12V2 cho VGA với mức công suất thực tế đo được là 160W và có thể còn cao hơn nữa nếu hệ thống tiêu thụ ít năng lượng hơn ở các đường điện khác. Không cần, hay không thèm đăng ký chứng nhận 80Plus nhưng hiệu suất PSU khá với mức trung bình trên 80% ở các mức tải phù hợp với mô tả 80Plus, hiệu suất cao làm PSU hoạt động mát hơn và êm ái hơn. An toàn cho hệ thống và PSU với các tính năng bảo vệ cơ bản đầy đủ và hoạt động chuẩn xác.
Tôi thấy rằng Antec VP450P là một sản phẩm chú trọng đến chất lượng và thuần túy là năng lượng như Antec đã quảng cáo. Hãy chú ý đến nó khi bạn có nhu cầu và nó sẽ chăm sóc tốt cho hệ thống của bạn.
Ưu điểm
- Công suất 450W@450C
- Tính năng Active PFC với hệ số PF luôn trên 0.9.
- Ổn định điện áp tốt.
- Hiệu suất cao trên 80% (Có số đo tương đương với chuẩn 80Plus).
- Mát và yên lặng.
- Tính năng bảo vệ OVP, OCP, SCP hoạt động hiệu quả.
Khuyết điểm
- Cáp ra rối, đan xen với nhau, tôi phải mất công ngồi xếp chúng lại thành bó riêng trước khi thử nghiệm
Giá bán tham khảo
Dự kiến sẽ được bán dưới giá 1 triệu đồng kèm các chương trình kích cầu hấp dẫn.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay7,821
  • Tháng hiện tại96,499
  • Tổng lượt truy cập30,745,443
DỊCH VỤ SỬA CHỮA
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây