Ông Bernard Bigot, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về năng lượng nguyên tử và Năng lượng thay thế (CEA) trao đổi hôm qua với báo chí nhân chuyến sang thăm Việt Nam và tham gia Triển lãm quốc tế điện hạt nhân tổ chức tại Hà Nội.
Ông Bernard Bigot. Ảnh: Hương Thu. |
- Trong dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Việt Nam đã công bố hai đối tác là Nga xây dựng lò phản ứng số 1 và Nhật giúp Việt Nam xây dựng lò phản ứng số 2, còn Pháp tìm kiếm cơ hội nào?
- Pháp sẽ tham gia trên tinh thần liên kết với đối tác Nhật Bản ở lò phản ứng thứ hai. Điều này có sự thỏa thuận giữa hai Chính phủ Nhật và Pháp. Chúng tôi sẽ cung cấp lò phản ứng hạt nhân cho nhà máy điện Ninh Thuận 2, đồng thời tham gia chuyển tải điện từ khu vực hạt nhân ra khu vực tua-bin. Pháp cùng Nhật sẽ tham gia vào đào tạo nhân lực cũng như chuyển giao kinh nghiệm cho Việt Nam.
Pháp sẽ trao cho Việt Nam kinh nghiệm có một không hai mà chúng tôi tích ũy ít nhất hơn 35 năm qua trong chính sách phát triển điện hạt nhân. Nhờ chính sách đó mà đến nay, điện hạt nhân nước Pháp chiếm 75% điện tiêu thụ cả nước.
Điều quan trọng khi lựa chọn phát triển điện hạt nhân là phải thực hiện cam kết lâu dài. Quãng thời gian cho một nhà máy từ khi xây dựng và kết thúc kéo dài ít nhất 100 năm. Bởi chúng ta cần 7 đến 10 năm cho giai đoạn xây dựng và thiết kế nhà máy, tuổi thọ 60 đến 70 năm cho thế hệ lò mới, khoảng 30 năm còn lại cho việc tháo dỡ lò phản ứng hết hạn, thu dọn và làm sạch môi trường.
Vì thời gian kéo dài như vậy nên phải tính đến nhiều yếu tố như lựa chọn địa điểm, công nghệ lò phản ứng và đặc biệt là công tác đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm an toàn cho nhà máy. Tất cả điều này Pháp đều sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho Việt Nam và các đối tác của các bạn.
Chúng tôi cam kết sẽ cung cấp Việt Nam thế hệ lò phản ứng an toàn ngay cả trong tình huống cực đoan nhất cũng sẽ không có nguy cơ phát tán phóng xạ ra ngoài địa điểm xây dựng nhà máy.
- Pháp sẽ cung cấp công nghệ nào cho nhà máy Ninh Thuận 2?
- Chúng tôi sẽ đưa lò phản ứng Atmea-1, thuộc thế hệ 3+, với công suất 1100 MW. Đây là sản phẩm liên doanh giữa Pháp và Nhật. Thế hệ lò phản ứng Atmea-1 tích hợp công nghệ mới nhất, đảm bảo tuân thủ các tiêu chí an toàn khắt khe.
Lò phản ứng đã được kiểm nghiệm, chống lại cả sự cố như ở Fukushima vừa xảy ra. Atmea-1 được chứng nhận về an toàn bởi Cơ quan an toàn về năng lượng hạt nhân Pháp đầu năm 2012 sau 18 tháng kiểm nghiệm. Khoảng thời gian kiểm thử công nghệ mới cũng là lúc xảy ra sự cố Fukushima. Vì thế, Cơ quan an toàn năng lượng hạt nhân Pháp kiểm tra lò phản ứng này có chống chọi lại sự cố xảy ra như ở Fukushima hay không, Atmea-1 đã vượt qua.
Mô hình lò phản ứng Atmea-1. Ảnh: Hương Thu. |
- Nhiều nước trên thế giới có xu hướng thu hẹp dần điện hạt nhân như Đức và Nhật. Pháp thì sao?
- Công nghệ cho năng lượng hạt nhân rất phức tạp, nhưng nếu chúng ta làm chủ được và đảm bảo mức an toàn, chắn chắn sẽ không có sự cố hay thảm họa xảy ra.
Ở Pháp, từ những năm 70, chúng tôi đã có tầm nhìn rõ ràng là đến cuối thế kỷ 20 trữ lượng nguồn năng lượng hóa thạch của Pháp sẽ hạn chế nên quyết định sẽ sử dụng năng lượng hạt nhân thay thế. Nếu không có quyết định này và thực hiện xây 58 lò phản ứng, chắc chắn đến nay, Pháp sẽ phụ thuộc 92% nguồn nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ bên ngoài, trong khi dầu, than đá, gas càng ngày càng trở nên đắt đỏ, hiệu ứng chất thải vào môi trường rất lớn nên sẽ ảnh hưởng tới con người.
Tôi chắc rằng, không nước nào trên thế giới sử dụng điện hạt nhân nếu người ta không có nhu cầu. Tôi vẫn thường nói nước nào sử dụng điện hạt nhân trước khi xảy ra sự cố Fukushima, thì sau khi xảy ra sự cố đó, họ vẫn cần. Tuy nhiên, có điều thay đổi căn bản là vấn đề an toàn đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết sau khủng hoảng hạt nhân ở Nhật.
Nước nào tin tưởng vào khả năng đảm bảo điều kiện an toàn năng lượng hạt nhân thì không có lý do gì từ bỏ. Còn các quốc gia khác có quyền tạm nghỉ chương trình hạt nhân nếu họ không thấy tin tưởng. Ở nước Nhật, sau thảm họa Fukushima, Nhật Bản gặp khó khăn vì làn sóng phản ứng của người dân cho rằng nên xóa bỏ chương trình điện hạt nhân, nước Nhật đã cố gắng nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn điện hạt nhân. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, họ lại quyết xây thêm 3 nhà máy điện hạt nhân mới. Rõ ràng, giữa mong muốn và thực tế có khoảng cách rất xa.
Nước Pháp không lý do nào từ bỏ năng lượng hạt nhân nếu phát triển một cách hợp lý và an toàn. Trong chính sách năng lượng hạt nhân, Pháp tăng thêm quy định về an toàn để đạt mục tiêu duy nhất là dù có sự cố xảy ra sẽ không có nguy cơ phát tán phóng xạ ra ngoài nhà máy, để người dân không có bất kỳ nguy hiểm nào.
Theo chúng tôi, điện sản xuất từ nguồn điện hạt nhân hiệu quả và gần như ổn định nhất về lâu dài, vì có tới 90% giá điện đó đầu tư vào thiết bị xây dựng ban đầu, chỉ 10% cho chi phí vận hành và quản lý.
- Các ông làm thế nào để người dân ủng hộ chương trình xây dựng điện hạt nhân?
- Khi chúng ta lựa chọn xây dựng nhà máy cần có sự tin tưởng của tất cả các bên liên quan tới dự án điện hạt nhân đó. Người ta phải hiểu được dự án mang lại lợi ích gì và nguy cơ nào. Vì thế Pháp cố gắng đạt sự tin tưởng công chúng, đặt minh bạch lên hàng đầu. Tất cả người dân bình thường nước Pháp đều có quyền biết, đặt câu hỏi và nhận giải đáp từ cơ quan chức năng liên quan đến điện hạt nhân.
Để làm điều đó, nước Pháp thiết lập hệ thống các tổ chức cơ quan phục vụ thông tin tới công chúng như Cơ quan an toàn hạt nhân hoạt động độc lập, Cơ quan cấp độ địa phương ở khu vực có nhà máy điện hạt nhân, Ủy ban cấp cao về minh bạch và an toàn hạt nhân, gồm viên gồm các đại biểu nghị viện, đại biểu của các hội đồng địa phương, nhà khoa học, đại diện của các nhà vận hành và đại diện tổ chức xã hội dân sự của người dân và cả tổ chức hoạt động phản đối năng lượng hạt nhân.
Nguồn tin: suachuamaytinh.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn