BBC dẫn lại tin của Tân Hoa Xã cho biết "bằng chứng" mới nhất về chủ quyền của Trung Quốc là tấm bản đồ do viên đại tá người Pháp Pierre Lapie và con trai vẽ vào năm 1832.
Tấm bản đồ này đã đánh dấu quần đảo Điếu Ngư là "Tiaoyu-Su" mà theo tiếng Mân Nam ở miền Nam tỉnh Phúc Kiến có nghĩa "Điếu Ngư Tự," tức hòn đảo nhỏ Điếu Ngư.
Hãng tin Tân Hoa đánh giá đây là một "bằng chứng mới" chứng tỏ chủ quyền của Trung Quốc đối với chuỗi đảo này.
Hãng tin này cho biết tấm bản đồ này đã được ông Liêu Lý Cường, Đại sứ Trung Quốc tại Bỉ, tìm thấy tại một hiệu sách có tên Schwilden nằm trên đường Galerie Bortier tại thủ đô Bruxelles cuối tuần trước.
Theo ông Liêu, văn tịch sớm nhất của Nhật Bản có đề cập đến quần đảo tranh chấp là quyển Đại cương minh họa Tam quốc do Hayashi Shihei viết vào năm 1785, trong đó có một bản đồ vẽ nhóm đảo này có cùng một màu với đại lục Trung Quốc.
Ông khẳng định điều này có nghĩa "Điếu Ngư Đảo là lãnh thổ của Trung Quốc."
Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba ngày 10/10 đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát trên biển Hoa Đông, bằng cách ghi nhận rằng một tấm bản đồ của Trung Quốc xuất bản năm 1960 đã mô tả quần đảo này thuộc lãnh thổ Nhật Bản.
Theo thông tin trên trang web của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, bản đồ thế giới của Trung Quốc cho thấy quần đảo tranh chấp này là một phần của Nhật Bản./.
Theo Vietnam+