Trung Quốc đang đối mặt nhiều vấn đề về an toàn điện hạt nhân
Bản kế hoạch trên do Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc công bố. Theo đó nước này cần chi 80 tỷ nhân dân trệ trong 3 năm tới để nâng cấp hệ thống an toàn và kiểm soát ô nhiễm phóng xạ cho đạt chuẩn quốc tế.
Mặc dù là quốc gia đầy tham vọng trong việc phát triển năng lượng hạt nhân với kế hoạch xây 100 lò phản ứng trong vòng 20 năm tới, Bắc Kinh mới đây đã buộc phải cấm cấp phép xây mới sau thảm họa hạt nhân tại Nhật Bản hồi tháng 3/2011. Đồng thời chính quyền nước này yêu cầu kiểm tra độ an toàn 41 nhà máy trên toàn quốc.
Bản báo cáo nêu trên của Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc cho thấy chính phủ nước này đang tiến gần hơn đến mục tiêu tái khởi động quá trình cấp phép xây mới các lò phản ứng. Bản báo cáo cũng đánh giá mức độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân và đề xuất sớm ngừng các lò phản ứng cũ kỹ, chia sẻ và tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, thúc đẩy việc nghiên cứu và phát triển an toàn hạt nhân cũng như cải thiện khả năng xử lý chất thải phóng xạ.
“Tình hình an toàn hạt nhân hiện tại không thể lạc quan”, bản báo cáo viết. “Trung Quốc có nhiều loại lò phản ứng hạt nhân, nhiều loại công nghệ và nhiều chuẩn an toàn khác nhau khiến việc quản lý trở nên khó khăn”. Ngoài ra các tác giả cũng cho rằng hoạt động vận hành và xây dựng các lò phản ứng cần phải cải thiện.
Theo truyền thông Trung Quốc, các nhà máy điện hạt nhân nước này hiện có tổng công suất khoảng 12,57 gigawatts. Và kế hoạch phát triển công suất điện hạt nhân lên mức khoảng 80 gigawatts vào năm 2020 đã được điều chỉnh giảm xuống còn 60 – 70 gigawatts. Dù vậy theo số liệu chính thức thì kế hoạch phát triển điện hạt nhân đến 2020 của nước này chỉ là 40 gigawatts, chỉ bằng chưa tới 5% công suất các nhà máy đã được lắp đặt.
Thanh Tùng
Theo Reuters