Phía sau tham vọng tăng cường khả năng quân sự của Trung Quốc

Chủ nhật - 28/10/2012 04:58

 Phía sau tham vọng tăng cường khả năng quân sự của Trung Quốc

Với diện tích 9.571.300 km² cùng đường biên giới với 14 quốc gia, nên những động thái liên quan tới quân sự của Trung Quốc được dư luận trong và ngoài khu vực đặc biệt quan tâm.
Tàu Hải giám Trung Quốc xuất hiện trên vùng biển Senkaku/Điếu Ngư
Tàu Hải giám Trung Quốc xuất hiện trên vùng biển Senkaku/Điếu Ngư
Việc này càng trở nên quan trọng khi giới truyền thông đưa tin: kể từ ngày 22-10, Trung Quốc bắt đầu cải tổ lớn trong ban lãnh đạo của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA), cũng như những căng thẳng biên giới cả trên đất liền và biển đảo với những quốc gia hữu quan đang có nguy cơ leo thang. Việc thay đổi tướng lĩnh hàng đầu của PLA được thực hiện trong bối cảnh quân đội nước này đang đẩy mạnh kế hoạch hiện đại hóa và Bắc Kinh đang chuẩn bị khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 (Đại hội 18) sẽ diễn ra vào ngày 8-11.
Tranh giành biển đảo
Giới quân sự cho rằng: để thực hiện tham vọng biển, Trung Quốc đã và đang ráo riết tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản và Hàn Quốc tại Hoàng Hải, Đông Hải cũng như các nước hữu quan tại Biển Đông. Chỉ trong vòng mấy tháng qua, Trung Quốc đã tiến hành khá nhiều cuộc tập trận trên biển Hoa Đông, Biển Đông với sự tham gia của tàu chiến, tàu ngư chính, tàu hải giám và máy bay các loại. Ngoài ra, Trung Quốc cũng chủ động phô trương khả năng quân sự thông qua việc bổ sung tàu sân bay đầu tiên cho hải quân, hệ thống tên lửa liên lục địa tầm trung có thể bao trùm toàn châu Á, kể cả căn cứ quân sự của Mỹ tại đảo Guam. Giới truyền thông Trung Quốc đưa tin, nước này muốn hợp nhất Lực lượng Cảnh sát Biển của Bộ Công an, Cục An toàn Hàng hải của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng đội Hải giám của Cục Hải dương, Cục Ngư chính thuộc Bộ Nông nghiệp và Tổng cục Hải quan thành lực lượng "Cảnh sát Biển Trung Quốc” để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Carlyle Thayer đến từ Học viện Quốc phòng Australia, PLA chỉ muốn khẳng định thêm vai trò của mình trên chính trường Trung Quốc, không muốn xung đột hay chiến tranh tại Biển Đông. Quan điểm của Giáo sư Carlyle Thayer được Lora Saalman - nghiên cứu viên của Trung tâm Carnegie - Thanh Hoa đồng tình, nhưng cũng cảnh báo: một cuộc chiến tranh lớn với sự tham gia của tất cả các bên tuy không diễn ra, nhưng nguy cơ xảy ra các va chạm hoặc xung đột quy mô nhỏ là rất có thể. Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Cecil Haney không ngạc nhiên khi Trung Quốc muốn phát triển tiềm lực hải quân, nhưng hy vọng Bắc Kinh sẽ minh bạch trong những dự định phù hợp với sức mạnh hải quân của nước này. Theo báo chí Mỹ vì muốn chiếm đoạt nguồn lợi thủy sản và tài nguyên dầu khí trên Biển Đông, Trung Quốc đang sử dụng máy bay vận tải kiểu mới, tàu đổ bộ, mở rộng khả năng vận tải đường không và vận tải trên biển. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Nghị sỹ Ileana Ros-Lehtinen của Đảng Cộng hòa từng chỉ trích Bắc Kinh không ngừng mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Biển Đông và gọi Trung Quốc là "kẻ chuyên bắt nạt”.
Giới quân sự cho rằng: Trung - Mỹ đang tăng cường cạnh tranh chiến lược ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sau khi Bắc Kinh sử dụng sức mạnh quân sự ngày càng tăng để đe dọa các nước đồng minh của Mỹ ở Châu Á, ngăn chặn sự hiện diện quân sự của Mỹ trên Biển Đông, biển Hoa Đông và cắt đứt các tuyến đường thâm nhập vào "khu vực chung của Mỹ”. Được biết, Mỹ đã triển khai các loại máy bay chiến đấu tiên tiến nhất tại Nhật Bản như Osprey, F-22 Raptor, F-35, P-8A Poseidon nhằm thực hiện chiến lược mới đối với Châu Á - Thái Bình Dương. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cũng vừa lên tiếng cảnh báo tình trạng an ninh bất ổn xung quanh "đất nước mặt trời mọc” và yêu cầu lực lượng phòng vệ chuẩn bị ứng phó trước mọi biến cố có thể xảy ra. Dư luận cho rằng: Nhật Bản đang lên kế hoạch cho một cuộc chiến tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà không có sự can thiệp của Mỹ. Theo báo cáo của Lignet - một tổ chức nghiên cứu tư nhân do các chuyên gia xuất thân từ CIA điều hành cho biết: quân đội Trung Quốc đang sử dụng máy bay không người lái để đòi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản.
Trong khi đó, Philippines cũng tăng cường hợp tác quân sự với Australia để đối phó với Trung Quốc trong việc tranh giành chủ quyền tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Căng thẳng Philippines - Trung Quốc lại gia tăng sau khi hàng không mẫu hạm USS George Washington đi qua vùng biển gần bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham rồi neo đậu gần vịnh Manila. Đây được coi là một phần trong kế hoạch Mỹ trở lại thiết lập căn cứ hải quân bán thường trực tại cảng Subic của Philippines. Dư luận và giới chuyên môn đang quan ngại trước tin nói rằng: một nhóm học giả Trung Quốc và Đài Loan sẽ tổ chức hội thảo nghiên cứu về cái gọi là "đường biên giới biển” và các vấn đề liên quan đến Biển Đông. Ngày 23-10, tại cuộc họp báo giới thiệu "Báo cáo Biển Đông 2011”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải, ông Ngô Sĩ Tồn tuyên bố: "Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là bắt đầu nghiên cứu lý thuyết về đường chữ U (đường lưỡi bò hay đường 9 đoạn)”.
Phòng tuyến trên biên giới đất liền
Giới quân sự và sử gia cho rằng: trong số 14 quốc gia láng giềng, Trung Quốc đặc biệt quan tâm tới Nga và Ấn Độ bởi từng giao chiến với 2 nước này trong quá khứ. Ngày 22-10, tờ Hindustan Times dẫn lời cựu quan chức tình báo Ấn Độ cho biết: số lần quân đội Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Ấn Độ tăng từ 180 lần/năm lên hơn 400 lần chỉ trong 9 tháng qua. Giới quân sự cho rằng: đang có một cuộc chạy đua vũ trang diễn ra tại khu vực biên giới Ấn Độ -Trung Quốc ở dãy núi Himalaya sau khi Bắc Kinh cải thiện đáng kể đường sá và xây dựng hoặc mở rộng các sân bay ở khu vực biên giới tại Tây Tạng. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Anthony tuyên bố: nếu Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự thì nước này cũng có hành động tương tự trong lãnh thổ của mình. Được biết, tại bang Arunachal Pradesh, các chốt tuần tra bộ binh mới bắt đầu hoạt động tại biên giới kể từ tháng 5-2012 trong nỗ lực bổ sung 60.000 binh sĩ cho 120.000 quân đang đồn trú tại đây. Ấn Độ cũng thành lập 2 đơn vị máy bay chiến đấu Sukhoi 30 và sẽ triển khai các tên lửa hành trình Brahmos. Ấn Độ và Trung Quốc từng giao tranh biên giới (từ 20-10-1962) và hiện quân đội 2 nước vẫn thường xuyên tập trận gần biên giới nên dư luận lo lắng về một cuộc xung đột mới có thể diễn ra trong tương lai.
Mặc dù tranh chấp biên giới giữa Nga và Trung Quốc đã được Ngoại trưởng Sergei Lavrov và nguyên Ngoại trưởng Lý Triệu Tinh đặt dấu chấm hết sau khi ký thỏa ước ngày 2-6-2005, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Moskva và Bắc Kinh hết ngờ vực lẫn nhau. Cuộc xung đột biên giới Nga –Trung năm 1969 xung quanh tranh chấp tại đảo Damansky/Trân Bảo đã khiến Moskva phải điều 658.000 quân để đối phó với 814.000 quân Trung Quốc và hiện ngờ vực giữa Nga và Trung Quốc lại gia tăng sau khi Moskva bắt đầu cảm thấy bị đe dọa bởi sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh. Việc sáp nhập Quân khu Viễn Đông và một phần Quân khu Siberia thành Quân khu Vostok, bao gồm toàn bộ khu vực biên giới Nga - Trung hồi tháng 12-2011 được coi là động thái phòng ngừa của Moskva.
Ngày 26-10, Quốc hội Trung Quốc đã phê chuẩn hiệp định biên giới với Afghanistan và Tajikistan về phân định giao điểm đường biên giới giữa 3 nước. Việc này có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì hòa bình ở khu vực biên giới, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Trung Quốc, Afghanistan và Tajikistan.
Khuyến cáo
Khi tiếp phái đoàn do nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Ric-hard Armitage dẫn đầu (23-10), Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói bóng gió: Bắc Kinh sẽ không thỏa hiệp với Nhật Bản về các vấn đề liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Phó Tổng thư ký Hiệp hội Khoa học Quân sự Trung Quốc, Thiếu tướng La Viện từng tuyên bố rằng: Trung Quốc cần vạch giới tuyến, phát cảnh báo và thậm chí "đánh du kích trên biển, chiến tranh nhân dân trên biển” khiến người Nhật Bản phải chạy khỏi khu vực tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Về phần mình, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết: luôn tạo điều kiện thuận lợi để Manila và Bắc Kinh đi đến một giải pháp chung có lợi đối với những vấn đề song phương cùng quan tâm, đồng thời hy vọng được thấy tiến bộ trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc sau khi Bắc Kinh thay đổi ban lãnh đạo mới tại Đại hội 18.
Ngày 24-10, tờ Washington Post cho biết: ngân sách quốc phòng tăng lên nhanh chóng của Trung Quốc đang khiến các quốc gia Châu Á láng giềng và các nhà hoạch định chính sách ở Lầu Năm Góc cảm thấy bất an về những mưu tính lâu dài của Bắc Kinh. Theo ước tính của nhiều chuyên gia quốc tế, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng từ 20 tỉ USD năm 2002 lên ít nhất 120 tỉ USD năm 2011 và dự kiến tổng chi cho quốc phòng của quốc gia hơn 1,34 tỷ người sẽ vượt Mỹ vào năm 2035. Dư luận cho rằng: sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc đã khiến Mỹ phải thay đổi chiến lược, chuyển từ các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Giới quân sự nhận định: xung đột lợi ích Mỹ - Trung cùng những thách thức từ sự lớn mạnh của Trung Quốc đang đẩy nhanh tốc độ chạy đua vũ trang giữa hai nước, thậm chí hé lộ nguy cơ về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, ước tính ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh năm 2011 đạt 142,2 tỷ USD, trong khi Trung Quốc cho biết: tổng ngân sách quốc phòng của nước này tăng từ 22,5 tỷ USD lên 89,9 tỷ USD trong vòng 11 năm (2000 - 2011).
* Tân Hoa xã đưa tin, Thượng tướng Phòng Phong Huy được bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng PLA thay cho tướng Trần Bỉnh Đức. Còn tướng Vương Quán Trung và Thích Kiến Quốc được bổ nhiệm làm Phó Tổng Tham mưu trưởng PLA. Thượng tướng Trương Dương được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị PLA thay cho tướng Lý Kế Nại; Trung tướng Ân Phương Long được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Thượng tướng Đỗ Kim Tài được bổ nhiệm làm Bí thư Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật PLA. Thượng tướng Triệu Khắc Thạch và Thượng tướng Trương Hữu Hiệp được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Trang bị của PLA. Trước đó, tướng Mã Hiểu Thiên được bổ nhiệm làm Tư lệnh không quân, tướng Điền Tu Tư được bổ nhiệm làm Chính ủy Không quân.
* Ngày 26-10, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell cho rằng: vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Châu Á nên được giải quyết thông qua các kênh ngoại giao và trên cơ sở luật pháp quốc tế. Bởi tranh chấp lãnh thổ không chỉ xảy ra giữa Nhật Bản và Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, mà còn xuất hiện tại Biển Đông giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á. Cũng trong ngày 26-10, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto cho biết: các cuộc hội đàm về xây dựng Cơ chế liên lạc trên biển Nhật - Trung dự kiến diễn ra cuối năm nay đã bị hoãn do căng thẳng song phương liên quan đến quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Theo Hoàng Phong
Đại Đoàn Kết

Nguồn tin: Sửa chữa laptop

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay9,616
  • Tháng hiện tại187,954
  • Tổng lượt truy cập30,437,040
DỊCH VỤ SỬA CHỮA
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây