Điểm lập trường đối ngoại của Obama và Romney trước giờ "G"

Chủ nhật - 21/10/2012 22:22

 Điểm lập trường đối ngoại của Obama và Romney trước giờ

(Dân trí) - Trong lần tranh luận thứ ba và cũng là lần cuối cùng trước khi bước vào cuộc bầu cử ngày 6/11 tới, hai ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ sẽ có màn “tỷ thí” về chính sách ngoại giao.

Điểm lập trường đối ngoại của Obama và Romney trước giờ G

Tổng thống Barack Obama và đối thủ đảng Cộng hòa Mitt Romney có quan điểm khá đối lập trong nhiều vấn đề đối ngoại.

Theo dự kiến, các vấn đề chính sẽ được đề cập trong lần tranh cử thứ ba là chương trình hạt nhân của Iran, cuộc chiến chống khủng bố, vấn đề Trung Đông và quan hệ với Trung Quốc.

Dưới đây là một số quan điểm của hai ứng cử viên trong từng vấn đề dựa trên trích dẫn những câu nói của hai ứng viên này:

- Chương trình hạt nhân của Iran: Nguy cơ Iran phát triển vũ khí hạt nhân và khả năng tấn công Iran:

Quan điểm của ông Obama là “Iran không được phép có vũ khí hạt nhân”. Phương án lựa chọn của ông là không sử dụng biện pháp can thiệp quân sự (ít nhất trong thời điểm hiện tại), mà thay vào đó là đẩy mạnh thương thuyết thông qua đối thoại và/hoặc cấm vận. Mặc dù những nỗ lực ban đầu trong việc đối thoại với Iran đã thất bại, song những lệnh cấm vận quốc tế dường như đã bắt đầu đem lại những tác dụng mà chính quyền của ông mong muốn.

Trong vấn đề này, ông Romney cũng có chung quan điểm với Tổng thống Obama nhưng với cách tiếp cận cứng rắn hơn. Ông nói: “Nếu quý vị bầu chọn tôi là Tổng thống kế nhiệm, Iran sẽ không có vũ khí hạt nhân”.

Theo ứng cử viên của đảng Cộng hòa, nước Mỹ cần duy trì đường lối cứng rắn, không để cho Iran có năng lực hạt nhân và cũng kiên quyết không cho nước này với tay chạm tới kỹ thuật chế tạo vũ khí hạt nhân. Ông khẳng định nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông sẽ không có chuyện đối thoại với Tehran, sẽ gây áp lực mạnh hơn trong việc đưa ra các đòn trừng phạt mạnh tay với Nhà nước Hồi giáo và thậm chí nếu cần thiết có thể phát động hành động quân sự chống Tehran.

- Vấn đề Trung Đông: Hòa đàm Palestine – Israel, khu định cư của người Do Thái ở vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, quy chế nhà nước cho Palestine.

Về vấn đề này, ông Obama nói: “Cam kết của chúng ta đối với an ninh của Israel nhất quyết không lay chuyển và cả việc theo đuổi hòa bình Trung Đông cũng vậy”. Từ câu nói này, có thể hiểu quan điểm của Tổng thống Obama là ông ủng hộ giải pháp hai nhà nước Palestine và Israel cùng chung sống hòa bình.

Trước đó, ông chủ Nhà Trắng từng yêu cầu phong trào Hamas ở dải Gaza chấp nhận quyền tồn tại của người Israel. Ông cũng phản đối các khu định cư của người Do Thái tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, điều khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vô cùng tức giận. Trong suốt 4 năm kể tkhi chuyển đến Nhà Trắng, ông Obama chưa một lần đặt chân đến Israel dù bề ngoài ông luôn khẳng định luôn ưu tiên quan hệ với đồng minh thân cận Trung Đông..

Trong khi đó, ông Romney thì nói rằng: “Mấu chốt để thương thuyết cho một nền hòa bình lâu dài là xây dựng một nước Israel được bảo đảm an ninh”. Đối với ông Romney, Israel là đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Vì vậy, ông chỉ trích việc Tổng thống Obama đã giữ khoảng cách với Israel trong suốt 4 năm cầm quyền.

Ông Romney cũng có quan điểm cởi mở hơn về các khu định cư của người Do Thái, đồng thời muốn tập trung vào việc cải thiện kinh tế ở các vùng lãnh thổ Palestin hơn là cho phép họ có vị thế chính trị cao hơn. Ông nghi ngờ khả năng tồn tại của giải pháp hai nhà nước và đã chủ ý thực hiện chuyến công du tới Israel trong thời gian vận động tranh cử để ghi điểm với các cử tri Do Thái cả trong và ngoài nước.

- Tình hình Trung Đông – Bắc Phi: Các vấn đề hậu Mùa Xuân Ảrập, nội chiến tại Syria và bộ phim phỉ báng đạo Hồi sản xuất tại Mỹ đã thổi bùng làn sóng biểu tình rầm rộ phản đối các cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ ở thế giới Ảrập.

Ông Obama nói: “Nước Mỹ và Hồi giáo không cần cạnh tranh với nhau”. Ngay từ khi mới lên cầm quyền, ông Obama đã tìm cách thiết lập lại mối quan hệ hữu nghị với thế giới Ảrập và Hồi giáo. Ông ủng hộ các cải cách dân chủ trong khu vực và đặt kế hoạch tăng đầu tư, cho vay đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo việc làm.

Trong làn sóng chính biến ở Trung Đông – Bắc Phi, ông Obama đã quyết định tham gia liên minh NATO phát động cuộc chiến tại Libya để lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi; đồng thời ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn chống chính quyền Syria và kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức. Về bộ phim báng bổ đạo Hồi, quan điểm của ông là bảo vệ tự do ngôn luận và lên án tình trạng bạo lực quá khích tại các nước Hồi giáo với cái cớ biểu tình phản đối bộ phim.

Trong các vấn đề này, ông Romney lại có quan điểm khác hẳn khi nói rằng: “Chính quyền Romney sẽ tìm mọi cách để bảo đảm không có một Mùa Đông Ảrập theo sau Mùa Xuân Ảrập”. Quan điểm của ông Romney coi Mùa Xuân Ảrập là một cơ hội tích cực để thay đổi, nhưng lo ngại nó có thể mở cánh cửa cho những thế lực thù nghịch chống lại Mỹ tại khu vực này. Ông đồng ý với quyết định tham chiến cùng NATO trong chiến dịch quân sự tại Libya nhưng không đồng ý về thời điểm tiến hành cuộc chiến.

Ngoài ra, Thống đốc bang Massachusetts cũng chỉ trích Tổng thống Obama về việc “đã không hành động” tại Syria. Ông muốn chính phủ Mỹ phải phối hợp với các đồng minh trang bị cho các phe nhóm đối lập ở quốc gia Trung Đông này. Mặc dù khẳng định không ủng hộ hành động quân sự tức thì tại Syria nhưng ông cho rằng cần nhanh chóng tiến hành các biện pháp can thiệp cần thiết nhằm tránh để vũ khí hóa học rơi vào tay các lực lượng khủng bố. Ông cũng chỉ trích phản ứng chậm chạp của Tổng thống Obama trong các vụ tấn công nhằm vào các cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ ở nước ngoài.

- Về quan hệ với Trung Quốc: Chống lại sự trỗi dậy cả về quân sự, chính trị và kinh tế của Trung Quốc, điều chỉnh thâm hụt thương mại song phương, kiểm soát các hoạt động tiền tệ và thương mại và thúc đẩy nhân quyền ở Trung Quốc.

Về vấn đề này, ông Obama từng nói: “Mỹ không tìm cách kiềm chế Trung Quốc… Một đất nước Trung Quốc giàu mạnh có thể là một nguồn lực cho cộng đồng các quốc gia”. Quan điểm của ông Obama là tìm kiếm mối quan hệ hợp tác, tin vào cách tiếp cận hòa giải và thực tiễn hơn. Tuy nhiên, ông cũng chỉ trích Bắc Kinh cố tình thao túng đồng nhân dân tệ và tham gia những hoạt động thương mại không công bằng.

Trái ngược lại, ông Romney nói: “Nếu quý vị không sẵn sàng đứng lên chống Trung Quốc, quý vị sẽ bị Trung Quốc đè bẹp”. Quan điểm của Romney là cần có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc, bao gồm cả việc tăng cường sức mạnh quân sự ở Thái Bình Dương, hợp tác sâu rộng hơn với Ấn Độ và các đồng minh khác trong khu vực, bảo vệ nhân quyền và gây sức ép để Trung Quốc phải chấp thuận theo đuổi các chính sách tự do thương mại công bằng.

Ông bác bỏ cách thức tìm kiếm tài phán từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, cho rằng chính quyền Obama phản ứng quá chậm và nương nhẹ với Bắc Kinh. Ông công khai nói về tình trạng thao túng tiền tệ của Trung Quốc, các vụ tấn công bất hợp pháp nhằm vào hệ thống máy tính các công ty và cơ quan chính phủ Mỹ. Mặc dù công nhận Trung Quốc là một cường quốc kinh tế trong làm ăn thương mại, nhưng ông Romney cũng không ngần ngại gọi Trung Quốc là “kẻ thù nguy hiểm của nước Mỹ”, đồng thời cho rằng Bắc Kinh phải tuân thủ chặt chẽ các quy định quốc tế.

Đức Vũ

Nguồn tin: Sửa chữa laptop

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay2,178
  • Tháng hiện tại104,351
  • Tổng lượt truy cập31,298,345
DỊCH VỤ SỬA CHỮA
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây