[Chuyện xưa tích cũ] Huyền thoại về chiếc PC PS/2 của IBM (P.1)

Thứ hai - 16/07/2012 03:20
Lịch sử vẫn thường vinh danh những cái tên thành đạt, nhưng thường bỏ qua hàng loạt cái tên khác mà thất bại của họ đôi khi làm nên thành công cho những con người khác. Trong bài viết này, chúng tôi muốn kể cho các bạn câu chuyện của IBM PS/2, một chiếc PC từng rất được nhiều người "ngưỡng mộ" nhưng sau cùng đã "gục ngã" trên thương trường. Và, dù sao, PS/2 đã để lại nhiều "di sản" quý cho các hậu duệ PC mà chúng ta đang dùng hôm nay.
 
Mào đầu
 
25 năm trước, IBM công bố ra chiếc Personal System/2 (PS/2), một dòng sản phẩm PC hoàn toàn mới trên thị trường. Vào cái thời điểm ấy (1987), thị trường đã tràn ngập các chủng loại IBM PC "nhái" (clone) khác vốn cũng khai thác các loại phần cứng lẫn phần mềm giống như các sản phẩm của Big Blue. Do tình trạng cạnh tranh căng thẳng như vậy nên thị phần của IBM đã bị sụt giảm chóng mặt từ mức 76% trong 1983 xuống chỉ còn 26% trong 1986.
 
Thông tin thêm - Khái niệm máy tính cá nhân (PC) giai đoạn đầu 1980 thực tế đã có nhiều hãng cùng sử dụng và mỗi hãng có hướng đi của riêng mình. Song khái niệm của IBM trở nên thành công nhất và dần trở thành chuẩn mực chung của cả ngành công nghiệp PC. Cho đến hôm nay, rất nhiều người vẫn định nghĩa PC theo "phong cách" IBM: dùng HĐH của Microsoft (MS) và chip xử lý x86 của Intel. Định nghĩa này được xem là định nghĩa "truyền thống".
 
Trước tình cảnh "cái bánh do mình nấu bị thằng khác ăn", IBM lên một kế hoạch lớn nhằm giành lại những gì đã mất. Đó chính là PS/2 mà đi cùng nó là một HĐH nổi tiếng khác - OS/2 (nay có lẽ chẳng mấy ai nhớ đến). Ngoài ra, IBM còn kèm theo nhiều tính năng độc quyền khác nhằm tạo nét riêng cho sản phẩm của mình Hãng nào muốn dùng thì cứ móc ví ra, mà phải "dày" đấy nhé! Về cơ bản, IBM muốn tạo ra một "sân chơi" của riêng mình (như họ từng làm và thành công). Nhưng xui xẻo làm sao, các NSX PC "nhái" đã có sân của riêng họ nên...
 
Đối đầu với "clone"
 
Khi IBM tạo ra chiếc PC vào 1981, phần lớn các linh kiện của nó đều rất dễ tìm mua và có sẵn đầy ở các cửa hàng điện tử để ráp thành (y như desktop hiện nay). Hầu như công ty nào cũng tự làm ra được chiếc PC của họ rồi đem đi hốt bạc. Nhận ra điều này, IBM đã bổ sung một số tính năng riêng biệt chỉ có trên sản phẩm của họ. Cái đầu tiên là BIOS, một bộ tập hợp các đoạn mã nền giúp quản lý toàn bộ chiếc máy. Cái tiếp theo là một ổ đĩa có kèm theo HĐH, vốn được cung cấp bởi MS.
 
Nhưng IBM đã "quên" một chi tiết quan trọng. Khi ký hợp đồng mua PC-DOS với MS, hãng này đã cho phép MS bán bộ phần mềm này cho cả những hãng sản xuất khác, mà bản thân MS gọi là MS-DOS và HĐH này nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.
 
Dù vậy, MS-DOS không phải vấn đề lớn cho IBM khi mới xuất hiện. Vì ở các hệ thống IBM PC "nhái", MS-DOS không thể khai thác toàn bộ mọi tính năng vốn chỉ có trên sản phẩm của IBM. Nhưng khi doanh số & tầm ảnh hưởng của IBM tăng lên, các NSX khác bắt đầu "nhòm ngó" và họ đã tìm cách tạo ra những chiếc PC-tương-thích-chuẩn-IBM. Song trước khi "câu cá chung ao" với IBM, họ đã tiến hành một bước đi quan trọng: dịch ngược lại các đoạn mã BIOS độc quyền của IBM rồi chia sẻ lại cho nhau, nhằm tránh vấn đề kiện tụng bản quyền. Phương cách mà họ đã làm tương tự với cách Google đã viết lại toàn bộ Android để tránh cuộc kiện với Oracle gần đây (còn gọi là phương pháp clean room).
 
Mẫu "clone" đầu tiên - MPC 1600
 
Vào tháng 06 năm 1982, Columbia Data Products là hãng đầu tiên thành công trong việc này. Chiếc PC "nhái" đầu tiên có tên MPC 1600. Sau đấy, Dynalogic và Compaq lần lượt theo đuôi với các sản phẩm tương tự trong 1983. Rồi nhanh chóng, những công ty chuyên viết mã như Phoenix Technologies đã phát triển thành công các dòng BIOS tương tự của IBM rồi họ đã "cho không" quyền sử dụng các sản phẩm này cho các hãng có nhu cầu. Khi cánh cửa ngăn lũ được mở, dòng thác PC "nhái" tràn vào và IBM không còn độc quyền thị trường PC được nữa.
 
Dĩ nhiên, trong giai đoạn đầu của "cơn lũ", vai trò của IBM với PC vẫn còn lớn. Dòng PC XT (1983) và PC AT (1984) đều mang theo trong chúng các cách tân đáng kể. Có điều copy bài người khác thì dễ hơn là tự viết ra văn của mình, những thứ sản phẩm của IBM có thì chẳng mấy chốc hàng của hãng khác cũng có.
 
Dù sao, copy hoài cũng chả phải hay. Vào 1986, một bước chuyển mình quan trọng được Compaq thực hiện bằng chiếc DeskPro 386 (chiếc desktop đầu tiên của người dịch là DeskPro Pentium II), một cỗ PC cực mạnh đã giáng một đòn mạnh vào IBM khi dùng con chip (80)386 do Intel sản xuất. Với IBM, đấy là một niềm hổ thẹn mà hãng này buộc phải lên một kế hoạch lớn để giành lại vị thế.
 
Kế hoạch đấy chính là PS/2. Chúng được ra mắt vào tháng 04 năm 1987, trong một chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên TV, kèm với slogan "PS/2 It!".
 
Song người đánh giá chúng, Critics, vốn đã từng thấy nhiều chiếc PC khác cũng mạnh mẽ không kém nhưng giá thành thấp hơn, trở nên thờ ơ với cỗ máy. Và nhiều người nhanh chóng nhận ra ý đồ muốn giành lại thị trường PC của IBM. Dẫu sao, bản thân PS/2 cũng có nhiều cải tiến mà chúng ta hôm nay đã được thừa hưởng lại chúng.
 
Đáp trả
 
Các model PS/2 được IBM công bố trong 1987 gồm Model 30, 50, 60 và 80. Chúng trải rộng trên một phân khúc giá thành lớn cũng như hiệu năng khác biệt khá rõ. Model thấp nhất, Model 30, gần như tương đương với PC XT, có cấu hình gồm một CPU 8086 @ 8 MHz, bộ nhớ RAM 640 KB và HDD 20 MB, đi kèm với cái giá "bán lẻ" hồi ấy là 2.295 USD (tính thêm hệ số lạm phát thì giá trị hiện nay vào khoảng 4.642 USD hay gần 100 triệu VND!).
 
Còn cấu hình cao cấp nhất, Model 80, có một CPU 386 @ 20 MHz, RAM 2 MB và HDD 115 MB với giá "lẻ" 10.995 USD (hay 22.243 USD hôm nay hơn 450 triệu VND!). Đáng chú ý là, chưa cấu hình đã kèm thêm giá HĐH. Người tiêu dùng phải bỏ ra thêm 120 USD để mua bản PC-DOS 3.3 (hay 242 USD hoặc 5 triệu VND).
 
Nhưng giá thành và cấu hình chưa phải hết. PS/2 đáng chú ý ngoài chuyện sức mạnh, nó còn kèm theo các cải tiến khác. Chúng ta sẽ bàn đến chúng ở phần sau của bài này.
 

Nguồn tin: PCW

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay10,769
  • Tháng hiện tại189,107
  • Tổng lượt truy cập30,438,193
DỊCH VỤ SỬA CHỮA
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây