Mô hình màu RGB | |
Bạn có cảm giác về màu sắc nhờ ánh sáng phát xạ (emit) hoặc phản xạ (reflect) từ vật nào đó. Mặt trời, bóng đèn, màn hình máy tính,... là vật phát xạ ánh sáng. Bàn ghế, sách vở, quần áo,... là vật phản xạ ánh sáng. Giữa hai màu mà bạn phân biệt rõ ràng có nhiều sắc khác nhau. Khi nói đến sắc, người ta nhấn mạnh đến liều lượng ánh sáng, đến tác động mạnh yếu khác nhau của ánh sáng lên mắt người. | |
Mọi màu sắc mà bạn cảm nhận từ vật phát xạ là sự pha trộn với các liều lượng khác nhau của 3 màu căn bản: đỏ (red), xanh chuối (green), xanh dương (blue). Nếu mỗi thành phần này đóng góp liều lượng như nhau, ta thấy màu trắng hoặc xám tùy cường độ ánh sáng. Nếu cường độ của chúng cùng triệt tiêu (không có ánh sáng), bạn thấy màu đen của bóng tối. | |
Ghi chú | |
• Nguyên lý pha trộn ánh sáng như vậy thể hiện rõ trong kỹ thuật đèn hình. Mỗi chấm nhỏ của lớp huỳnh quang trên màn hình máy tính có khả năng phát xạ 3 màu (đỏ, xanh dương và xanh chuối) do kích thích của 3 chùm tia điện tử khác nhau từ 3 ống phóng của đèn hình. | |
Rõ ràng, ta có thể xác định màu sắc bất kỳ một cách định lượng bằng bộ ba trị số biểu diễn cường độ của các màu cơ bản: đỏ, xanh chuối, xanh dương. Người ta gọi cách thức xác định màu sắc như vậy là mô hình màu RGB (RGB color model). RGB là viết tắt của Red-Green-Blue. Màu đen "thăm thẳm" trong mô hình này được biểu diễn dưới dạng: | |
(R = 0, G = 0, B = 0) | |
hoặc gọn hơn: | |
(0R-0G-0B) | |
Bạn có thể hình dung rằng màu đen tương ứng với gốc tọa độ trong một không gian 3 chiều được định vị bởi 3 trục tọa độ R, G và B. | |
"Gọi là mô hình, nghĩa là còn có phương án khác để xác định màu sắc?". Vâng, bạn đoán đúng. Còn có mô hình khác để xác định màu sắc mà bạn cảm nhận từ vật phản xạ. | |
| |
Mô hình màu CMY | |
Khi bật đèn bàn cho ánh sáng trắng rọi vào trang sách, bạn thấy chữ in đen trên nền giấy trắng. Nền "trắng toát" (không có mực) là nơi ánh sáng của đèn bị giấy phản xạ hoàn toàn trước khi đi đến mắt bạn. Chữ "đen thui" là chỗ ánh sáng của đèn bị mực hấp thụ hoàn toàn và không thể đi đến mắt bạn. Nếu mực chỉ hấp thụ thành phần đỏ của ánh sáng trắng, phản xạ hoàn toàn thành phần xanh chuối và xanh dương, bạn sẽ thấy chữ có màu xanh trời nhạt (cyan). Quả thực, màu xanh dương và màu xanh chuối được pha trộn với liều lượng như nhau trong ánh sáng phản xạ cho ta màu xanh trời nhạt. Nói khác đi, mực có màu xanh trời nhạt là mực có tác dụng hấp thụ ánh sáng đỏ. Tương tự, mực hấp thụ ánh sáng xanh chuối có màu tím đỏ (magenta) do sự pha trộn của màu đỏ và màu xanh dương trong ánh sáng phản xạ. Mực hấp thụ ánh sáng xanh dương có màu vàng (yellow) do sự pha trộn của màu đỏ và màu xanh chuối trong ánh sáng phản xạ. | |
Ba màu xanh trời nhạt, tím đỏ và vàng (lần lượt tương ứng với sự hấp thụ hoàn toàn màu đỏ, xanh chuối, xanh dương của ánh sáng phát xạ) được xem là ba màu căn bản của ánh sáng phản xạ. Tùy liều lượng của mực xanh trời nhạt, tím đỏ và vàng, sự hấp thụ các thành phần đỏ, xanh chuối và xanh dương trong ánh sáng trắng xảy ra mạnh yếu khác nhau, ta sẽ thấy những màu sắc khác nhau trên giấy. | |
Một cách khái quát, màu bất kỳ của vật phản xạ được xác định bằng bộ ba trị số biểu diễn cường độ màu xanh da trời, tím đỏ và vàng. Người ta gọi cách thức xác định màu sắc như vậy là mô hình màu CMY (CMY color model). CMY là viết tắt của Cyan-Magenta-Yellow. Màu trắng trong mô hình này được biểu diễn dưới dạng: | |
(C = 0, M = 0, Y = 0) | |
hoặc gọn hơn | |
(0C-0M-0Y) | |
Bạn có thể hình dung rằng màu trắng tương ứng với gốc tọa độ trong một không gian 3 chiều được định vị bởi 3 trục tọa độ C, M và Y. Màu đen và các sắc xám tạo bởi liều lượng bằng nhau của các thành phần C, M và Y. Nếu "chơi" thật đậm 3 màu đó trên giấy, khả năng phản xạ ánh sáng hầu như biến mất, bạn có màu đen "thùi lùi" (nếu hồi nhỏ bạn từng "chà" bút chì đủ màu vào một chỗ trên giấy để vẽ... con giun đất, bạn sẽ hiểu ngay sự kiện này). | |
Mô hình RGB và mô hình CMY chẳng qua chỉ là hai "cách nhìn" đối với màu sắc. Trong mô hình RGB, màu sắc được tạo ra bởi sự đóng góp của các thành phần RGB với cường độ khác nhau. Cường độ cao của các thành phần RGB cho ta màu trắng. Khi cường độ của chúng bằng 0, ta có màu đen (không có ánh sáng). Trong mô hình CMY, ta lại chú ý đến hiệu quả của các thành phần CMY trong việc trừ khử các thành phần RGB của ánh sáng tới. Liều lượng cao của các thành phần CMY cho ta màu đen. Liều lượng của chúng bằng 0 cho ta màu trắng (không có mực). Do vậy, người ta gọi mô hình RGB là mô hình màu cộng tính (additive) và mô hình CMY là mô hình màu hiệu tính (subtractive). Tuy hai mô hình màu này khác nhau như "mặt trời với mặt trăng", có công thức chính xác để chuyển đổi bộ ba trị số RGB thành bộ ba trị số CMY tương đương. Corel DRAW tính toán chuyện này cực nhanh, bạn không phải lo chi cả. | |
Ngoài mô hình RGB và CMY, người ta còn dùng thường xuyên mô hình màu HSB (HSB color model) để xác định màu, dựa trên các yếu tố vật lý khác của ánh sáng. | |
| |
Mô hình màu HSB | |
HSB là viết tắt của Hue-Saturation-Brightness. Khác với color nghĩa là màu sắc nói chung, từ hue trong tiếng Anh diễn đạt màu theo nghĩa hẹp. Bạn có thể hình dung hue là cách gọi chung cho các màu đỏ, cam, vàng,.. khá tách biệt trên cầu vồng. Trong mô hình HSB, sau khi chỉ ra màu nào đó trong phổ màu của cầu vồng (thành phần H), bạn phải xác định nồng độ (saturation) của màu ấy, tức thành phần S. Nếu màu đang xét chưa đủ "đô", bạn sẽ thấy sắc xám lấn lướt. Trường hợp nồng độ màu bằng 0, bạn sẽ có một màu xám nào đó tùy theo độ sáng (brightness), tức thành phần B. Độ sáng cho biết màu đang xét sáng tối thế nào. Nếu độ sáng bằng 0, nhất định bạn chỉ có một màu đen thui dù cho trị số diễn đạt thành phần H và S bằng bao nhiêu đi nữa. | |
Cách diễn đạt màu sắc trong mô hình HSB có vẻ tự nhiên hơn nhưng màu được xác định theo mô hình HSB không có sự tương ứng một-một với màu được xác định theo mô hình RGB hoặc CMY. Tuy nhiên, khi dùng Corel DRAW, điều này không đáng chú ý lắm. Bạn cứ phó mặc cho Corel DRAW và có thể yên tâm rằng sự chuyển đổi như vậy cho kết quả ở mức độ chấp nhận được. |
Ý kiến bạn đọc