CorelDRAW (Bài 38) - Hỏi - Đáp

Thứ tư - 19/10/2011 23:38

CorelDRAW (Bài 38) - Hỏi - Đáp

Theo bài hướng dẫn, nhiều khi phải dùng phông chữ này nọ. Nhưng nếu trên máy của tôi không có phông chữ đã nêu thì làm sao?

Bạn cứ thoải mái dùng phông chữ nào có sẵn mà bạn thích. Các phông chữ mà bạn thấy nêu trong bài thường là phông chữ có sẵn trên đĩa CD chứa CorelDRAW. Mỗi phông chữ được ghi trong một tập tin phông chữ (font file). Tuy nhiên, bạn chưa thể dùng phông chữ chứa trong tập tin đó nếu chưa làm thủ tục đăng ký phông chữ với hệ điều hành Windows. Nói rõ hơn, thao tác “cài đặt phông chữ” bao gồm việc sao chép tập tin phông chữ vào đĩa cứng và đăng ký phông chữ ấy. Sau khi phông chữ nào đó được cài đặt, bạn có thể dùng phông chữ ấy trong mọi phần mềm chạy trên Windows.

Thông thường, người ta cài đặt phông chữ mới thông qua Control Panel của Windows nhưng việc cài đặt sẽ dễ hơn rất nhiều nếu bạn dùng công cụ Font Navigator đi kèm với CorelDRAW. Để dùng công cụ này, bạn bấm nút Start rồi chọn Programs > Corel Graphics Suite 11 > Bitstream Font Navigator.

Trên cửa sổ Font Navigator vừa hiện ra (hình 1), bạn thấy nhiều cửa sổ con. Cửa sổ con Contents phía trên trái hiển thị danh sách các phông chữ mà Font Navigator dò tìm được (và được ghi nhớ trong danh mục phông chữ Font Catalog). Cửa sổ Installed Fonts phía trên phải cho bạn biết những phông chữ nào đã được cài đặt để dùng trong Windows. Nếu bạn chọn phông chữ nào đó, Font Navigator lập tức trình bày phông chữ ấy trong cửa sổ Font Sample phía dưới phải, bằng dòng chữ cụ thể The quick brown fox jumped over the lazy dog (“con cáo nâu nhanh nhẹn nhảy qua con chó lười biếng”). Câu nói “chẳng ra đâu vào đâu” này được dùng vì nó chứa tất cả các chữ cái Anh ngữ, đủ để bạn đánh giá phông chữ đang xét có hợp với “khẩu vị” của mình hay không.

Nếu cần dùng phông chữ nào đó chưa được cài đặt, bạn chỉ việc kéo tên phông chữ ấy từ cửa sổ Contentsqua cửa sổ Installed Fonts và thả ở đấy.


Hình 1

Giả sử phông chữ bạn cần nằm trên đĩa CD, chưa có trong danh mục phông chữ của Font Navigator, bạn hãy đưa đĩa CD vào ổ, bấm vào ô liệt kê bên trên cửa sổ Contents và chuyển qua ổ đĩa CD. Trong cửa sổContents, bạn mở xem thư mục nào đó trên đĩa CD chứa các tập tin phông chữ, “nắm” vào phông chữ cần thiết và kéo qua cửa sổ Installed Fonts, bỏ vào đó.

Nếu bạn cài đặt trên 500 phông chữ và cảm thấy máy tính của mình chạy chậm đi sau khi cho “đổ bộ” một lô phông chữ mới, bạn có thể tháo gỡ (uninstall) các phông chữ “không bao giờ dùng đến” bằng cách thực hiện thao tác ngược với thao tác nêu trên: kéo tên phông chữ từ cửa sổ Installed Fonts, thả trở lại cửa sổ Contents.

 

Trên cửa sổ Font Navigator, cửa sổ con Font Groups ở góc dưới, bên trái, dùng để làm gì?

Trong cửa sổ Font Groups, bạn có thể tạo ra nhóm phông chữ dùng cho một đề án nào đó để cài đặt và tháo gỡ một lượt. Trong thực tế, khi thực hiện mỗi đề án, ta có thể dùng một số phông chữ đặc thù. Nếu cài đặt “đổ đống” đủ thứ phông chữ vào hệ thống, khi muốn tháo gỡ bớt một số phông chữ cho “nhẹ máy”, bạn không biết phải chọn phông chữ nào trên danh sách Installed Fonts dài dằng dặc.

Cụ thể, để tạo ra nhóm phông chữ mới, bạn bấm-phải vào cửa sổ Font Groups rồi chọn New group trên trình đơn cảnh ứng vừa hiện ra (hoặc bấm vào biểu tượng Cre-ate New Font Group  trên thanh công cụ). Font Navigator lập tức tạo ra nhóm phông chữ mới và hiển thị tên gọi mặc định. Bạn hãy gõ ngay tên tự đặt và gõ Enter. Nếu chấp nhận tên mặc định, sau này bạn vẫn có thể đổi tên nhóm phông chữ nhờ chức năng Rename trên trình đơn cảnh ứng. Nhóm phông chữ mới được Font Navigator tạo ra dưới dạng một thư mục trống rỗng. Để đưa vào nhóm ấy những phông chữ cần thiết, bạn kéo các phông chữ đã chọn từFont Catalog (trình bày trong cửa sổ Contents), thả vào thư mục tương ứng trong cửa sổ Font Groups.

Sau khi tạo ra nhóm phông chữ, bạn cài đặt cả nhóm bằng cách kéo nhóm ấy từ cửa sổ Font Groups, thả vào cửa sổ Installed Fonts. Muốn tháo gỡ một nhóm phông chữ, bạn kéo nhóm ấy ra khỏi cửa sổ Installed Fonts. Rõ ràng, “làm ăn” với các phông chữ “có bè, có cánh” như vậy thuận tiện hơn nhiều so với các phông chữ “đi lẻ”.

Bạn nên tạo ra một nhóm phông chữ dành riêng cho các dấu hiệu (Symbols). Nếu thường dùng phần mềm nào đó, AutoCAD chẳng hạn, bạn có thể tập hợp mọi phông chữ của AutoCAD thành một nhóm gọi làAutoCAD. Các phông chữ Việt cũng nên gom vào một nhóm. Khi không cần đến chúng nữa, ta có thể tháo gỡ rất nhẹ nhàng, không cần tỉ mỉ lọc lựa như... nhặt thóc trong gạo.

 

Nếu như hình khung, e-líp và tiêu ngữ được phép chuyển đổi thành đường cong, liệu có thể chuyển đổi ngược lại, đường cong có dạng “hình khung” trở thành hình khung “thứ thiệt” chẳng hạn?

CorelDRAW 11 chưa có khả năng như bạn nói nhưng chúng tôi nghĩ rằng đó là chuyện có thể. Thậm chí chuyển đổi một đường cong có dạng chữ A thành ký tự A “chính cống” cũng không phải là chuyện xa vời. Dù sao ta cũng phải đứng chân vững chắc trên cái nền đã có. Bạn nên cân nhắc ít nhiều trước khi chuyển đổi các đối tượng không phải đường cong thành đường cong. Không có con đường trở lại trừ khi bạn có cơ hội hủy bỏ kết quả bằng chức năng Undo hoặc bạn có một bản sao lưu dự phòng.

 

Các bài hướng dẫn thường lấy hình khung, e-líp, tiêu ngữ làm ví dụ cho sự chuyển đổi thành đường cong. Với đối tượng đa giác hoặc ngôi sao thì thế nào?

Đa giác trong CorelDRAW không gì khác hơn là một đường gấp khúc khép kín, nghĩa là về bản chất đã là một đường cong Bézier. Bằng chứng là các nút của đa giác có sẵn cần khiển tương ứng để điều chỉnh hình dạng (khi bạn dùng công cụ chỉnh dạng). Tuy nhiên, khác với đường cong Bézier bình thường, các nút đa giác liên kết chặt chẽ với nhau. Chỉ cần di chuyển một nút, các nút khác lập tức di chuyển theo một quy tắc xác định và chỉ cần bạn gõ phím “cộng lớn” một phát, nhiều nút đồng loạt sinh ra một cách cân đối. Nếu bạn chọn đa giác rồi chọn Arrange > Convert To Curves, CorelDRAW chuyển đổi đa giác ấy thành đường cong Bézier bình thường, hủy bỏ liên kết giữa các nút.

Để thử nghiệm, bạn hãy tạo ra một ngôi sao 12 đỉnh với độ nhọn (sharpness) là 4 như hình 2A. Dùng công cụ chỉnh dạng, chọn một nút ở gần tâm ngôi sao và kéo cần khiển của nó, bạn thấy toàn bộ đường nét ngôi sao thay đổi (hình 2B). Nếu bạn sáp nhập (combine) ngôi sao với một đối tượng khác, chúng sẽ chuyển thành đường cong Bézier bình thường một cách tự động. Bạn hãy vẽ một hình tròn đồng tâm với ngôi sao như hình 2C và sáp nhập ngôi sao với hình tròn ấy. Sau khi chọn một màu tô vàng rực, bạn sẽ có hình ảnh mặt trời cách điệu rất duyên dáng (hình 2D), có thể dùng để trang trí bìa sách hoặc minh họa truyện thiếu nhi.


Hình 2
 

Tôi đã biết rằng có thể “ràng buộc” (group) các đối tượng thành nhóm. Nay lại biết thêm nào là “sáp nhập” (combine), nào là “hòa trộn” (weld). Sao mà lôi thôi, dễ nhầm lẫn quá!

Xin bạn bình tĩnh. Với chức năng Group, các đối tượng trong một nhóm được ràng buộc với nhau thành một khối thống nhất nhưng chúng vẫn giữ nguyên bản chất của mình (hình khung vẫn là hình khung, tiêu ngữ vẫn là tiêu ngữ, màu tô và màu nét của chúng cũng không có gì thay đổi).

Khi bạn sáp nhập đối tượng này với đối tượng khác bằng chức năng Combine, chúng trở thành một đối tượng duy nhất và là một đường cong, chỉ có một màu nét và một màu tô (nếu là đường cong kín).

Trong trường hợp hòa trộn các đối tượng bằng chức năng WeldIntersect hoặc Trim, kết quả cũng là một đối tượng đường cong duy nhất nhưng có đường nét mới mẻ tùy theo trường hợp.

 

Có phải ta chỉ sáp nhập các đối tượng nếu chúng có một phần chồng lên nhau? Vì với hai đối tượng nằm rời nhau, việc xác định lại miền trong và miền ngoài bằng chức năng Combine không cho kết quả gì mới!

Có chứ! Khi bạn sáp nhập hai đối tượng nằm rời nhau, chúng trở thành một đối tượng đường cong duy nhất với một màu nét và một màu tô. Nói chung, nếu bản vẽ của bạn có những đối tượng đường cong cùng tính chất (cụ thể là cùng màu nét và cùng màu tô), nên sáp nhập chúng thành đối tượng duy nhất bằng chức năng Combine. Bản vẽ sẽ “nhẹ” hơn (kích thước tập tin bản vẽ giảm đi) và hiệu năng làm việc của CorelDRAW tăng lên do đỡ phải quản lý nhiều đối tượng.

 

Tôi thấy dùng dao cắt khó khăn ở chỗ đường cắt không được gọn gàng (tay tôi hơi run). Có cách nào dễ dàng hơn không?

Mọi người dùng chuột đều gặp khó khăn như bạn. Nếu muốn có đường cắt như ý, bạn có thể vẽ trước đường cắt bằng “bút chì” Bézier và cắt bằng chức năng Trim. Giả sử bạn cần cắt đôi một hình tròn với đường cắt “lả lướt” như hình 3A. Bạn vẽ đường cắt như vậy rất dễ dàng bằng “bút chì” Bézier. Với đường cắt đang ở trạng thái “được chọn”, bạn mở cửa sổ Shaping bằng cách chọn Arrange > Shaping > Shaping, chọnTrim trong ô liệt kê, tắt hai ô duyệt Source Object(s) và Target Object(s), bấm vào nút Trim rồi bấm vào hình tròn.

Hình tròn của bạn lập tức trở thành một đối tượng đường cong với hai đường con khép kín (hai “nửa hình tròn” như ở hình 3B). Bạn tách rời hai “nửa hình tròn” thành hai đối tượng riêng biệt bằng cách ấn Ctrl+K (chức năng Break Apart). Cách thức như vậy cũng cho bạn thấy rằng ta không nhất thiết chỉ dùng chức năng Trim (cũng như Weld và Intersect) với các đối tượng là đường cong kín hoặc có hình dạng “ra tấm, ra miếng” như nhiều người lầm tưởng.

Để tin chắc hai “nửa hình tròn” đã là hai đối tượng riêng biệt, bạn hãy chọn cho chúng màu tô khác nhau. Dĩ nhiên, ta còn có thể di chuyển mỗi “nửa hình tròn” một cách tùy ý. Bạn thử làm thế này: bấm vào “nửa hình tròn” bên trên hai lần để các dấu chọn quay hiện ra và kéo tâm quay đến đầu trái đường cắt. Sau khi quay “nửa hình tròn” bên trên sang trái chút xíu, bạn có thể trang điểm thêm “mắt mũi” như hình 3D.

“Cái gì vậy cà?”. Nếu bạn hỏi vậy, chúng tôi xin... chịu. Chỉ biết rằng nó trông cũng dễ thương đó chứ!


Hình 3

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay5,611
  • Tháng hiện tại147,902
  • Tổng lượt truy cập30,598,414
DỊCH VỤ SỬA CHỮA
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây